Bạn đọc gửi chuyện thật, không chấp nhận bài sáng tác, hoặc lấy từ nguồn khác.
Người gửi bài chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
Tòa soạn biên tập nội dung nếu cần. Mục này không có nhuận bút
ĐÔ THỊ, THÀNH PHỐ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
TS. Hà Huy Ngọc
Viện Kinh tế Việt Nam
Kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế cho thấy, để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu và rộng như hiện nay, cần thiết phải hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác nguồn tài nguyên chất xám, tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới. Một trong những trụ cột của các hoạt động đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là điều càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), khi tốc độ phát triển công nghệ và khoa học ngày càng nhanh và các công nghệ mới đang dần trở thành một phần quan trọng của xã hội cũng như nền kinh tế, thúc đẩy những thay đổi đáng kể cho xã hội.
1. Tiếp cận về hệ sinh thái của thành phố/đô thị khởi nghiệp
Với cách tiếp cận sinh học hệ thống cần nhìn nhận startup như một cơ thể sống và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chỉ sống khỏe nếu có được các nền tảng tốt và một môi trường sống tốt - đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST chính là một dạng nguồn lực (nguồn lực liên kết) vô cùng quan trọng.
Khi tiếp cận dưới góc nhìn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trải qua quá trình chuyển tiếp từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự thay đổi vai trò của các chủ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến hệ sinh thái đó. Theo Startup Commons (2021), đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sự đổi mới sáng tạo được sử dụng chính tại các doanh nghiệp lớn và khu vực công với các quy trình khép kín và các nguồn lực xuất phát từ bên trong các chủ thể này. Các chủ thể này đóng vai trò chính trong hệ sinh thái và các chủ thể khác đóng vai trò hỗ trợ và tác động đến doanh nghiệp và khu vực công đó là các cơ sở nghiên cứu; nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư; sự đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và khách hàng. Còn sau quá trình chuyển tiếp từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sang hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thì lúc này đối tượng chính của hệ sinh thái đó là sự đổi mới sáng tạo đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp với các đặc trưng là mở, liên kết hợp tác và tận dụng các nguồn lực ngoại sinh. Chủ thể này sẽ được hỗ trợ bởi các chủ thể hỗ trợ như sự đổi mới sáng tạo đến từ các doanh nghiệp lớn, khu vực công; Cơ sở nghiên cứu; Các nguồn lực tài chính; Các giải pháp thu hút tài chính mới; Nhà cung cấp dịch vụ; Tổ chức hỗ trợ; Khách hàng.
Trong hệ sinh thái đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo và các bên liên quan khác đóng vai trò hỗ trợ, bao gồm nhưng không giới hạn, các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ, ...có mối quan hệ hữu cơ, cùng tồn tại và phát triển bền vững. Nhà nước có vai trò hỗ trợ, tạo dựng môi trường pháp lý hay gọi đơn giản là “luật chơi” cho hệ sinh thái startup phát triển. Sức mạnh của hệ sinh thái startup tùy thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ của các thành phần trong hệ sinh thái. Như vậy, muốn thúc đẩy startup phát triển, điều quan trọng nhất là nhà nước cần đưa ra được các chính sách tạo dựng một hệ sinh thái startup khỏe mạnh và các chính sách đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần thị trường, thể chế và các mạng lưới hỗ trợ để hình thành và mở rộng. Do đó, các nghiên cứu đều thừa nhận rằng chính sách của nhà nước có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Các chính sách có tác động thúc đẩy phát triển hoặc kìm hãm hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chính quyền hợp tác với khu vực tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập môi trường phù hợp cho sự đổi mới và tinh thần kinh thương, tạo lập một hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST lành mạnh. Chính sách công có thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cả trực tiếp và gián tiếp, từ các chính sách trực tiếp hỗ trợ việc thành lập và tăng trưởng startup, đến các chính sách gián tiếp liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới, giáo dục, phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số…
Hình 1: Cách tiếp cận hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Nguồn: Nhóm tác giả, 2022
2. Về hình thức của đô thị/thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Về hình thức của đô thị KN đổi mới sáng tạo vùng (hay hệ thống KN ĐMST vùng), Asheim and Gertler (2005) cho rằng một hệ thống đổi mới vùng là hạ tầng thể chế hỗ trợ đổi mới thuộc phạm vi cơ cấu sản xuất của một vùng, và quan điểm tổng quan này bao gồm 3 loại mô hình đặc thù sau (Asheim, 1998; Cooke, 1998):
- Loại thứ nhất được gọi là các hệ thống KN đổi mới sáng tạo vùng gắn với địa điểm, trong đó hoạt động đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp chủ yếu dựa trên quá trình học hỏi trong phạm vi vùng, được thúc đẩy bởi sự gần gũi về không gian địa lý, văn hóa và xã hội, mà không có nhiều mối quan hệ tương tác với các tổ chức tạo ra tri thức.
- Loại thứ hai được gọi là hệ thống KN đổi mới sáng tạo được liên kết theo mạng lưới vùng (regionally networked innovation system). Các doanh nghiệp và tổ chức vẫn gắn kết chặt với một vùng cụ thể và quá trình học hỏi tương tác vẫn trong phạm vi vùng. Tuy nhiên, chính sách can thiệp làm cho các hệ thống này mang tính kế hoạch nhiều hơn qua việc tăng cường hạ tầng thể chế của vùng - ví dụ tăng cường vai trò của các tổ chức NC&PT, cơ sở đào tạo nghiệp vụ…tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Hệ thống này được xem là mô hình lý tưởng của hệ thống đổi mới sáng tạo vùng.
- Loại hệ thống đổi mới vùng thứ ba gọi là hệ thống KN đổi mới quốc gia thuộc phạm vi vùng (regionalized national innovation system), khác với 2 loại trên ở một số điểm. Trước hết, một bộ phận của ngành công nghiệp và hạ tầng thể chế được gắn kết chặt chẽ hơn với các hệ thống quốc gia và quốc tế - nghĩa là hoạt động đổi mới sáng tạo được tạo ra chủ yếu nhờ sự hợp tác với các chủ thể bên ngoài vùng. Thứ hai, mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức trong hệ thống đổi mới sáng tạo vùng thích hợp với mô hình tuyến tính, vì sự hợp tác chủ yếu liên quan đến các dự án cụ thể để tạo ra các đổi mới căn bản. Trong hệ thống đó, sự hợp tác chủ yếu là giữa những người làm việc trong cùng một lĩnh vực.
Tác nhân của thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng:
Franz Tödtling và Michaela Trippl (2005) mô tả rằng trong trung tâm ĐMST
vùng hệ thống khởi tạo và phổ biến tri thức cùng với hệ thống áp dụng và khám phá
tri thức sẽ tương tác với các hệ thống toàn cầu, quốc gia và các khu vực khác. trong
đó các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia học tập tương tác thông qua hệ thống một môi trường thể chế. Khu vực công tương tác nhằm thúc đẩy mối liên kết
giữa tiểu hệ thống khám phá tri thức và tiểu hệ thống khởi tạo và truyền bá tri thức.
Hình 2. Các tác nhân trong hệ thống KN ĐMST địa phương
Nguồn: Franz Tödtling và Michaela Trippl (2005)
Von Leipzig và Dimitrov (2015) đã xác định 5 thành phần/tác nhân tham gia vào đô thị KN Đổi mới sáng tạo vùng bao gồm:
(1) Các tác nhân trong ngành công nghiệp (các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn),
(2) Các tác nhân khu vực hàn lâm (trường đại học, cao đẳng, văn phòng chuyển giao công nghệ, phòng thí nghiệm, khu công nghệ, tổ chức nghiên cứu và công nghệ (RTO), vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp…),
(3) Các cơ quan công (chính quyền trung ương, thành phố, khu vực, cơ quan công….),
(4) Các tổ chức tài chính (ngân hàng, đầu tư mạo hiểm, thiên thần kinh doanh,…)
(5) Các chủ thể khác (truyền thông, các mạng chính thức và không chính, tổ chức thương mại, tổ chức cụm, hiệp hội, phòng thương mại…).
Các yếu tố quyết định của trung tâm ĐMST vùng
Một số nghiên cứu (Cohen et al., 2014; Morrison, 2013; Lin, 2014) cho rằng mức độ phát triển của đô thị KN ĐMST của vùng phụ thuộc vào chiến lược, kế hoạch của các thành phố với sự giúp đỡ của các trường đại học. Nó có xu hướng tập trung vào các công ty mới và nhỏ, và có thể bắt đầu với sự phát triển cơ sở hạ tầng đầy triển vọng.
Hành vi KN ĐMST, như được mô tả trong nghiên cứu của Rush et al. (2014), thường được liên kết với tinh thần kinh doanh. Mối quan hệ giữa hành vi ĐMST và tinh thần kinh doanh có thể giúp xác định các yếu tố, quy mô và nhất là các yếu tố quyết định thường ảnh hưởng đến ĐMST trong một hệ sinh thái ĐMST. Do đó, dựa trên phân tích 7 lĩnh vực được xác định trong công trình của Isenberg (2011), 8 trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp được xác định bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2014) và 6 yếu tố quyết định khởi nghiệp của OECD (2015) có thể được đề xuất trong một HST của đô thị KN ĐMST, nhóm chúng theo các khía cạnh sau:
- Chính sách: Khung pháp lý (lợi ích về thuế, thuế doanh nghiệp, …); Pháp luật thuận lợi (phá sản, thực hiện hợp đồng, quyền tài sản và việc làm); Hỗ trợ tài chính (R&D, đào tạo nâng cao, cơ sở hạ tầng khoa học, …).
- Hỗ trợ: Tiếp cận nguồn vốn phi chính phủ; Cơ sở hạ tầng chung (viễn thông, vận tải, hậu cần, năng lượng, không gian, trung tâm ươm tạo, cụm ĐMST, …); Hỗ trợ của các tổ chức chuyên nghiệp (pháp lý, kế toán, đầu tư, chuyên gia kỹ thuật và các cố vấn); Hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (thúc đẩy tinh thần kinh doanh, hội nghị, cuộc thi, cố vấn, ...).
- Thị trường: Tiếp cận thị trường quốc tế; mạng lưới (mạng lưới của các doanh nhân, đa quốc gia, v.v.); người tiêu dùng ban đầu.
- Vốn nhân lực: Lao động; giáo dục và đào tạo. - Xã hội: Văn hóa (chấp nhận rủi ro, sai lầm, …); những yếu tố khác, chẳng hạn như ngôn ngữ trong dân cư, hoặc các dịch vụ xã hội.
3. Một số mô hình đô thị/thành phố khởi nghiệp ĐMST
3.1. Mô hình cụm đổi mới
Ngoài ra nhằm thúc đẩy sự hình thành các thành phố KN ĐMST vùng, cụm KN đổi mới (innovative clusters) là tiếp cận được một số nhà nghiên cứu đề cập trong các công trình nghiên cứu (Sinderen và Roelandt, 1999), (OECD, 2001).
Engel và del-Palacio (2009)[1] đã định nghĩa cụm đổi mới là những vị trí “nóng bỏng” của thế giới nơi công nghệ nảy mầm với tốc độ đáng kinh ngạc và là nơi có nguồn vốn, chuyên môn và nhân tài thúc đẩy sự phát triển của các ngành mới và phương thức kinh doanh mới. Chúng là những hệ sinh thái sôi động, sôi nổi bao gồm các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp hỗ trợ quá trình khởi nghiệp và các doanh nghiệp trưởng thành (nhiều doanh nghiệp phát triển nhanh chóng từ quá trình khởi nghiệp trước đó). Trong các hệ sinh thái này, các nguồn lực về con người, vốn và bí quyết di động linh hoạt và tốc độ giao dịch được thúc đẩy bởi sự theo đuổi không ngừng các cơ hội, tài trợ theo giai đoạn và chu kỳ mô hình kinh doanh ngắn hạn. Trong các công trình của mình, Engel đã cố gắng làm rõ Khung mô tả về Cụm đổi mới toàn cầu theo giai đoạn phát triển và đổi mới các thành phần của cụm. Và công trình Global Clusters of Innovation: Lesson from Sillicon Valley năm 2015 là một nghiên cứu tình huống chi tiết cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về cách nâng cao năng lực đổi mới của khu vực và đưa ra các chiến lược cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm để tận dụng lợi ích của các cụm đổi mới ở bất cứ nơi nào.
Sách Trắng The Cluster Policies WhiteBook chỉ ra các cụm đổi mới thành công dựa vào ba tác động chính: 1) thành lập các doanh nghiệp mới và đa dạng hóa công nghệ; 2) Tạo dựng mạng lưới các tác nhân bên trong; và 3) Hình thành các cụm.
Tổng quan chính sách đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Cục thông tin và công nghệ Quốc gia (2019), cũng đề cập đến việc hình thành các cụm để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng trong một khu vực địa lý cụ thể, đang nhận được sự quan tâm mới trong kỷ nguyên số, với việc tạo ra các trung tâm nghiên cứu và đổi mới kỹ thuật số. Mục tiêu là thúc đẩy quan hệ đối tác để nghiên cứu và đổi mới giữa các chủ thể khu vực trong một lĩnh vực sản xuất hoặc lĩnh vực công nghệ cụ thể, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nó ở cấp quốc gia và quốc tế và đảm bảo chuyển giao kiến thức khoa học - công nghiệp. Những sáng kiến như vậy thường cung cấp kinh phí cho các dự án hợp tác NC&PT, đào tạo và các loại dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác nhau (ví dụ: để quốc tế hóa kinh doanh, tìm kiếm đối tác bên ngoài). Sáng kiến Digital Hub ở Đức hỗ trợ thành lập các trung tâm kỹ thuật số trên cả nước, kết nối các công ty khởi nghiệp Đức và quốc tế với các công ty, nhà nghiên cứu và nhà đầu tư được thành lập ở một khu vực cụ thể, theo mô hình của Thung lũng Silicon. Các trung tâm này nhằm mục đích thúc đẩy kết nối và hợp tác trong và giữa các trung tâm, và dự kiến sẽ đóng vai trò là nền tảng để tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư nước ngoài. Để tạo điều kiện cho các tương tác như vậy, sáng kiến đã phát triển một thương hiệu chung (‘de: hub,) và tạo ra một Cơ quan Hub chung (Hub Agency). Những nỗ lực hiện đang tiếp tục để phát triển một chiến dịch tiếp thị quốc tế nhằm xây dựng danh tiếng của các trung tâm ở nước ngoài, thu hút các công ty khởi nghiệp quốc tế, các nhà khoa học, công ty và nhà đầu tư. Hiện tại có 12 trung tâm tại 12 thành phố, mỗi thành phố tập trung vào một ngành cụ thể (ví dụ: trung tâm IoT & Fintech ở Berlin, trung tâm Trí tuệ nhân tạo ở Karlsruhe, Trung tâm hóa học kỹ thuật số và y tế 37 kỹ thuật số ở Ludwigshafen / Mannheim). Cũng tại Đức, It’s OWL là một nền tảng công nghệ và đổi mới ở Ostwestfalen-Lippe - một khu vực có nền tảng công nghiệp mạnh trong các lĩnh vực cơ khí, công nghệ ô tô và năng lượng - tập hợp các công ty, trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển các sản phẩm thông minh và quy trình sản xuất. Một trong những mục tiêu chính của nó là đảm bảo chuyển giao công nghệ cho các DNVVN. Cụm CNTT của Estonia (The Estonian ICT Cluster) thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực khác, để phát triển các sản phẩm và giải pháp mới. Cụm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ba lĩnh vực: quốc tế hóa (ví dụ: tổ chức các chuyến công tác và các hoạt động liên quan đến xuất khẩu, tham gia các dự án đổi mới quốc tế); phát triển lực lượng lao động (ví dụ: cung cấp đào tạo, dự báo nhu cầu kỹ năng của lực lượng lao động); và hợp tác (ví dụ: hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu giữa các đối tác cụm và giúp tìm kiếm các đối tác bên ngoài). Các ví dụ khác bao gồm Sáng kiến siêu máy tính đổi mới ở Canada, Cụm chuyển đổi kỹ thuật số của Pháp (Cap Digital) ở Paris, Trung tâm kỹ thuật số ở Dublin (Ireland) và Cụm Các nhà máy thông minh ở Lombard (Italia).
Mô hình Triple Helix được coi là một lý thuyết liên kết cốt lõi trong các hệ thống đổi mới, trong đó có ĐMST vùng. Khái niệm Mô hình Triple Helix về mối quan hệ giữa các trường đại học - doanh nghiệp - chính phủ bắt đầu vào những năm 1990 bởi Etzkowitz (1993) và Etzkowitz và Leydesdorff (1995), dựa trên các công trình nghiên cứu tiền thân của Lowe (1982) và Sábato và Mackenzi (1982) chuyển đổi từ mối quan hệ doanh nghiệp - nhà nước vốn chiếm ưu thế trong xã hội công nghiệp sang mối quan hệ ba bên giữa trường học - doanh nghiệp - chính phủ trong xã hội tri thức. Trọng tâm của Mô hình Triple Helix là tiềm năng đổi mới và phát triển kinh tế trong một xã hội tri thức với vai trò dẫn đường của trường đại học và các tổ chức trung gian hình thành từ các yếu tố thuộc trường học, doanh nghiệp và chính phủ để tạo ra những định dạng xã hội mới cho sản xuất, chuyển giao và áp dụng tri thức.
Cụm liên kết ĐMST: trong một số trường hợp, thuật ngữ “cụm liên kết đổi mới sáng tạo” và cụm liên kết CNC được sử dụng nhiều trong các tài liệu nghiên cứu về khu công nghệ cao. Trong đó, viện nghiên cứu và trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ. Ví dụ, tăng cường vai trò của các cụm đổi mới là vấn đề được nêu ra trong các nghiên cứu về mô hình phát triển của các khu công nghệ cao, công viên khoa học, thành phố khoa học (UNESCO-WTA, 2006, 2008, WIPO, 2020). Các CLKN ĐMST thành công thường hay được nhắc đến như Thung lũng Silicon, Thành phố khoa học Tân Trúc,... được xem là nền tảng để hình thành và phát triển các hệ thống trung tâm đổi mới vùng. Với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và ĐMST, khái niệm CLKN trong bài viết này được hiểu là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và các tác nhân liên quan theo vùng không gian địa lý, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có liên quan đến nhau theo chuỗi giá trị, hình thành nên các mạng lưới hợp tác chuyển giao công nghệ và ĐMST. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các tác nhân liên quan (tổ chức nghiên cứu, đào tạo và tổ chức dịch vụ trung gian) đóng vai trò hỗ trợ. Khác với các khu công nghiệp truyền thống, chỉ là sự tập trung về mặt hành chính của các doanh nghiệp, các CLKN chú trọng xây dựng tính liên kết hợp tác và ĐMST giữa các tác nhân.
3.2. Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo địa phương
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy xây dựng hệ sinh thái ĐMST, tập trung xung quanh một cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo (thường gọi là Trung tâm đổi mới sáng tạo) đã và đang chứng tỏ là công cụ thực hiện yêu cầu nói trên. Mô hình trung tâm Đổi mới Sáng tạo (Innovation Center) thường là mô hình tổ chức sáng tạo đặc thù nhằm mục đích hỗ trợ nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối và cung cấp các dịch vụ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, là động lực thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại một quốc gia hoặc một vùng. Chính vì vai trò quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo nên việc hình thành nên các trung tâm đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo nói chung là vô cùng cấp thiết. Thông thường, các trung tâm Đổi mới Sáng tạo (IC) có nhiệm vụ đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy khai thác các nguồn tri thức, hỗ trợ hoàn thiện, ươm tạo công nghệ, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong tổng thể nền kinh tế. Các mô hình trung tâm Đổi mới sáng tạo (IC) cũng có thể hỗ trợ hình thành các giải pháp công nghệ bản địa tiên tiến dựa trên nền tảng các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, kích thích các ý tưởng sáng tạo, khơi gợi cảm hứng đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp hướng tới triển khai rộng khắp các nền tảng công nghiệp 4.0, cùng với đó tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại để nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình. Có thể nói, các trung tâm đổi mới sáng tạo nói riêng và các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo nói chung là các thành phần cốt lõi tạo nên động lực phát triển cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại các quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu về Creating and Developing Innovation Centres: Guide Technologies and key Principles (2012) chia thành ba phần chính: (1) Các chương giới thiệu cung cấp cái nhìn sơ lược về những gì các trung tâm ĐMST trên thế giới đang làm (bao gồm danh sách xếp hạng các trung tâm và chuyên gia), đồng thời trình bày các nguyên tắc chính của sự phát triển trung tâm đổi mới; (2) Các công nghệ cơ bản của việc phát triển các trung tâm đổi mới là sự hiện diện có hệ thống của các “khối cấu phần” thiết yếu của một hệ sinh thái ĐMST; (3) Các phiên bản tạp chí về các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tạo ra các trung tâm đổi mới, từ đó cung cấp một tiếp cận hướng tới con người để xác định các vấn đề và giải pháp. Nghiên cứu này đề cập tới khái niệm về một Trung tâm IC trực thuộc Chính phủ/Bộ, mang tầm ảnh hưởng rộng lớn cấp quốc gia. Trung tâm IC này như một cửa ngõ về Đổi mới sáng tạo của quốc gia, giữ vai trò nhất định trong việc điều phối toàn bộ Hệ thống Đổi mới sáng tạo của quốc gia/vùng. Trung tâm IC mang đầy đủ các chức năng của: Vườn ươm Doanh nghiệp (Business incubator), Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator), Qũy đầu tư (Investor), Phòng thí nghiệm chính sách (Policy Laboratory), Khu làm việc chung (Co-working Space), Đơn vị chuyển giao công nghệ (Technology Transferring Unit).
Tác giả Elena-Laura Trifan và cộng sự (2012) trong công trình Innovation Management and Technology Transfer within a Model of Innovation Center at the University Politechnica of Bucharest, khi đề cập đến khái niệm Trung tâm IC thuộc một trường Đại học, đã định nghĩa: Trung tâm IC là một mô hình của một trung tâm đổi mới, nơi các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), được hướng dẫn để nhận diện và quản lý tiềm năng đổi mới sáng tạo của họ, ngoài ra trong Trung tâm IC các SMEs còn được hỗ trợ các bí quyết công nghệ có giá trị từ nguồn lực của trường Đại học. Tuy định nghĩa này giới hạn đối với khái niệm của một Trung tâm IC thuộc trường Đại học nhưng rõ ràng, chúng ta nhận thấy rất rõ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt của một Trung tâm IC đối với đối tượng mà nó hướng đến.
Nghiên cứu Innovation Agencies: Cases from Developing Economies (Aridi A. & N. Kapil, 2019) xem xét nguồn gốc và sự phát triển, cơ cấu tổ chức, các biện pháp can thiệp chính sách, thách thức phân phối và cơ chế đánh giá của 13 cơ quan ĐMST ở các nước đang phát triển và một trường hợp (SPRING ở Singapore) để so sánh. Nghiên cứu này không cho rằng cách tiếp cận duy nhất để cải tiến đổi mới nằm trong một cơ quan chuyên trách - mỗi hệ thống đổi mới được quản lý khác nhau và cùng một sự can thiệp có thể có kết quả rất khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Thay vào đó, mục tiêu của nghiên cứu là nắm bắt cách các cơ quan này đối phó với những thách thức lớn phải đối mặt với việc thành lập một cơ quan đổi mới trong bối cảnh nước đang phát triển, nơi mà việc đổi mới thường bị cản trở bởi những thất bại đáng kể về thị trường, điều phối và thể chế, đầu tư vào đổi mới có xu hướng bị hạn chế, và các khả năng cần thiết để đổi mới hiệu quả thường thiếu. Từ đó nghiên cứu đưa ra bảy yếu tố chính của một cơ quan ĐMST hiệu quả bao gồm: (1) sứ mệnh rõ ràng nhưng dễ thích nghi, (2) đội ngũ nhân viên có năng lực, (3) cấu trúc quản lý và điều hành hiệu quả, (4) chẩn đoán- các can thiệp dựa trên cơ sở, (5) giám sát và đánh giá mạnh mẽ (M&E), (6) tài trợ bền vững, (7) các mạng lưới và quan hệ đối tác chiến lược.
Ngoài ra mỗi quốc gia đều có chiến lược và cách thức riêng trong việc phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST của mình. Một số tài liệu tiêu biểu liên quan đến các giải pháp chính sách phát triển trung tâm ĐMST của các quốc gia như:
- Kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thiết lập 40 trung tâm vào năm 2025 dựa trên 10 lĩnh vực được xác định là cốt lõi trong quá trình phát triển. Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 - những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Ngoài các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và trung tâm cấp tỉnh đã thiết lập nên hệ thống ĐMST xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh
- Báo cáo và mô tả từ Israel Innovation Authority cho biết chính sách ĐMST của Israel mang tính đồng nhất rất cao, bởi quốc gia này có một cơ quan chịu trách nhiệm chính về toàn bộ hoạt động ĐMST quốc gia. Cơ quan này là đơn vị đầu mối được chính phủ giao xây dựng, vận hành, triển khai các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
- Martin Hemmert (2007), “The Korean Innovation System: From industrial catch-up to technological leadership”, Innovation and technology in Korea: Challenges of a newly advanced economy, cho biết kể từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 Trung tâm Kinh tế sáng tạo và đổi mới (Center for Creative Economy and Innovation - CCEI) với nhiều văn phòng đại diện ở các địa phương, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các trung tâm này giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và DNVVN kết nối với các tập đoàn của Hàn Quốc cũng như các tập đoàn hoạt động trong khu vực.
- Digital Park Thailand (2020) cho biết Trung tâm ĐMST Digital Park của Thái Lan đi theo triết lý “trở thành điểm đến cho các người chơi số toàn cầu và các nhà đổi mới kinh doanh số tới để Đầu tư - Làm việc - Học hỏi - Giải trí cùng nhau tại công viên”. True Digital Park ra đời với vai trò cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho các công ty khởi nghiệp và doanh nhân công nghệ, nhằm hỗ trợ và tận dụng tiềm năng hiện có của nền kinh tế Thái Lan, ươm mầm cho những "kì lân công nghệ" trong tương lai.
- Một trong những hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của Singapore là tập trung vào thành lập khu JTC LaunchPad@one-north, để cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi. Đây là khu vực gồm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm như dịch vụ tư vấn pháp luật và đầu tư. Bên cạnh đó, Singapore thành lập khu JTC LaunchPad@JID, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến. Với vị trí ở gần Trường đại học công nghệ Nanyang, các viện nghiên cứu và mạng lưới các doanh nghiệp, các startup trong khu JTC LaunchPad@JID có thể hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nói trên, tận hưởng sự tăng trưởng chung và thúc đẩy hoạt động thương mại hoá các công nghệ mới. Đồng thời, tạo ra môi trường thuận lợi cho phép các công ty thử nghiệm các sáng kiến ĐMST và chia sẻ ý tưởng với nhau thông qua việc sử dụng các trang thiết bị chung như xưởng sản xuất thử. Gần đây, Singapore đã hoàn thành Quận đổi mới sáng tạo JTC LaunchPad@Jurong giúp cung cấp không gian công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và vườn ươm có năng lực.
- Malaysia thành lập MaGIC - Trung tâm sáng tạo toàn cầu được thành lập trong năm 2014 và được tài trợ 21,4 triệu USD từ Chính phủ Malaysia. Nhiệm vụ của MaGIC bao gồm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và hỗ trợ sự sáng tạo và đổi mới của quốc gia lâu dài. MaGIC cung cấp các chương trình và sáng kiến xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau, bao gồm: Chương trình tập huấn Doanh nghiệp Xã hội MaGIC-Hub; Chương trình tập huấn kỹ thuật MaGIC; e@Chương trình học Stanford; Thực tập tại Silicon Valley; Học viện Startup MaGIC.
Như vậy, các nghiên cứu quốc tế đã thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy ĐMST ở cấp địa phương (vùng), các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào khám phá và mô tả các tổ chức (tác nhân đổi mới), thể chế, hoạt động ĐMST và mối quan hệ/tương tác giữa các tổ chức trong hệ thống ĐMST vùng cũng như các tiêu chí và phương pháp để so sánh, đánh giá các hệ thống này. Nhưng hầu hết là các nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu tổng quan, vẫn thiếu những nghiên cứu đi sâu vào giải pháp chính sách ĐMST vùng riêng biệt cho thực tiễn của từng quốc gia, cụ thể là Việt Nam. Mặc khác, khoảng trống trong các nghiên cứu nước ngoài chính là chưa đề cập đến mô hình và cơ chế chính sách cho sự hình thành các trung tâm ĐMST tại các vùng.
Tài liệu tham khảo
Bạn đọc gửi chuyện thật, không chấp nhận bài sáng tác, hoặc lấy từ nguồn khác.
Người gửi bài chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
Tòa soạn biên tập nội dung nếu cần. Mục này không có nhuận bút
Chia sẻ nhận xét về bài viết